Đang tải...
 

RAU TONG, món ăn dân dã, trời cho ở đôi bờ sông Ô Lâu

RAU TONG, món ăn dân dã, trời cho ở đôi bờ sông Ô Lâu
 RAU TONG

Thuộc họ Rong nhưng sống đời tinh khiết chỉ mọc ở “trằm, bàu” nước chảy, thân mềm ẻo lả thả tóc bồng bềnh theo dòng nước. Là món ăn dân dã của người quê đôi bờ sông Ô Lâu thuộc Bắc Thừa thiên - Huế và Nam Hải Lăng, là cây trời cho khỏi trồng mọc nhiều ở dưới đáy sông hồ vùng nước ngọt có đất pha cát trắng tinh như “trằm, bàu” ở thôn Niêm thuộc xã Phong Hòa - Thừa thiên Huế thu lượm trong mùa thu đông mò tìm rất khổ cực, bán nhiều ở chợ Hôm Ưu Điềm (chợ chiều Ưu Điềm) và các chợ nhỏ ở những vùng phụ cận. Vì mang thân phận “rong” nên giá rất “bèo”.


 
 



 
     Rau tong ăn sống, cách chế biến đơn giản ít hao tốn: Mua về mở giây buộc, rau bung ra như mái tóc thề xanh rêu ngan ngát, tay cầm trên “troóc  ác”(1), gốc của cây rau,  mà rung cho tim non và rong bèo rơi rụng rồi cắt, nhưng vặn đứt từng đoạn khoảng 10cm thì ăn ngon hơn cắt, nhồi sơ cho mềm nhàu xong rửa sạch trộn thêm húng quế, rau thơm diếp cá cải con để ăn.
 
     Quan trọng là nước chắm, rau tong thì quấn quýt gắn bó với mắm "đuốc"(2) nên “nhị vị tri âm” gặp nhau “mới bắt”, kho "nác đuốc"(3) mỡ heo phải giã chứ không xắt, đổ mỡ vào chảo hay “tréc”(4) đất nung phi khử gia vị nghe thơm, đánh quậy "nác đuốc" lóng cặn rồi cho vào, "nác đuốc" sôi mỡ nổi lềnh bềnh, đập ớt tươi, củ ném củ hành thêm vào đốt rơm lửa nhỏ sôi đều là được.
 
     Đi đồng (làm ruộng) về đập chân cái bộp, rũ bụi ngoài thềm, thoảng mùi ngầy ngậy khói rơm quyện hòa cùng hơi thơm "nác đuốc" trong “tréc” tỏa ra thơm lừng nằm cạnh “đúa”(5) rau tong bên nồi cơm nóng hoặc môn khoai “sỏn sẻn e ấp” nghiêng nằm chờ đợi… Nghe tiếng Mạ kêu hỏi ai mà không cuống cẳng chạy về?
 
     Ăn theo lối phàm phu mới ngon, nghĩa là: bới cơm ra chén, gắp một nùi rau chan nác đuốc lên, ớt tươi nằm vắt đỏ lòm “vô tâm và” cả búng nhai ngồm ngoàm rau ráu mới thẩm thấu cái hương vị cay, chát, ngọt, bùi vô phân biệt của Rau Tong, cùng đinh cũng như Quan viên một lần ghé gắp thì muôn thuở không quên trong cái se lạnh của hơi đông quê nhà.
 
    Ăn cao lương mỹ vị như cung đình còn xâu xé, hơn thua, ghét ganh thừa mứa thì mần răng “thế tử“(6) khỏi "thề lê"(7) cái “rọt”(8)  đi hút mỡ, ăn như rứa răng bì nổi với rau tong.
 
     Món rau tong rất hiền như đời của rau. khi sống là nơi nương náu của tôm tép rong rêu trong cơn mưa lũ dữ, khi hoá thân rau là bạn của tiêu hành ném ớt cay sè. Cho nên từ cổ chí kim chưa nghe ai ăn rau tong bị rối loạn tiêu hoá hoặc tiêu chảy.
 
     Người viết ở quê khi trái mùa cũng quay quắt nhớ Rau Tong. Giờ đây đã đến mùa Rau Tong nên “ mần nghếch”(9) cảm khái đôi ba vần gửi tặng bạn lữ thứ tha hương và người quê đôi bờ ô lâu mến yêu ...! .
 
 
RAU TONG
 
 
Ngút ngàn độộng(10) cát Thôn Niêm
Đưới trằm(11) lấp lánh Mạ(12) tìm Rau Tong
Bồng bềnh rau lướt sóng đông
Rét run triêng gióng(13) Mạ còng lưng sương(14) 
Phận nghèo rau cũng cảm thương
Chêm(15) cùng khoai sắn đoạn trường giêng hai
Đời con phiêu bạt trần ai
Cao lương thì kệ(16), nhớ hoài Rau Tong 
      (Mùa rau tong lại về, thu nhâm thìn 2012)
 
                     Lê Đăng Mành
 
 
CHÚ THÍCH:
 
(1)-Tróc ác : đỉnh đầu
(2)-Đuốc: ruốc (mắm ruốc)
(3)-Nác đuốc: nước ruốc, nước chấm làm từ mắm ruốc
(4)-Tréc: bằng đất nung dùng để kho thịt cá, miền Nam gọi là “tộ” (cá rô kho tộ)
(5)-Đúa: rổ rá đan bằng tre
(6)-Thế tử: Con cả của chúa hay của vua chư hầu.
(7)-Thề lê: lê môt cách nặng nhọc
(8)-Rọt: ruột, nội tạng của cơ thể.
(9)-Mần nghếch: làm những điều vô ích vớ vẩn(phương ngữ)
(10)-Độộng cát: cồn cát, gò cát
(11)-Đưới trằm: dưới bàu, dưới ao, hồ
(12)-Mạ: mẹ
(13)-Triêng gióng: quang gánh
(14)-Sương (động từ): gánh
(15)-Chêm: nêm, nhét thêm, kèm thêm.
(16)-Kệ: bỏ qua, xem như không có gì
Theo: TIẾNG QUÊ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết:

Bình luận bài viết:

Loading...
Mới nhất Cũ nhất

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn