Đang tải...
 

Tình thương của mệ

Tình thương của mệ

 

(HueS) – Tôi trở lại thăm mệ vào một chiều mưa Huế. Tay mệ gầy gầy run run đưa ra nắm lấy tay tôi. Đôi bàn tay mệ suốt ba năm qua đã nấu cơm bán cho sinh viên nghèo với giá 2000 đồng 1 xuất. “ Mệ thương sinh viên con ạ!”, câu nói thều thào phát ra từ khóe miệng nhăn nheo của một bà cụ đã 71 tuổi. Mệ Nguyễn Thị Hiếu đã không còn sức khỏe để nấu cơm cho sinh viên như những ngày cách đây một năm nữa. Giờ mệ trở về với cuộc sống quây quần bên đứa con tật nguyền.

Tình thương của mệMệ Nguyễn Thị  Hiếu nhớ về niềm vui nấu cơm cho sinh viên nghèo cách đây một năm (Ảnh: Thùy Vân)

3 năm nấu cơm cho sinh viên

Cách đây 1 năm, ngôi nhà số 22 đường Đoàn Hữu Trưng, mệ mở quán cơm 2000 đồng bán vào trưa ngày thứ 3, 5, 7 cho sinh viên nghèo. Để làm được điều này, mệ Hiếu đã thuê 4 người phục vụ. Người rửa bát 50.000 đồng/ngày, người nấu 100.000 đồng/ngày. Những người được mệ thuê phục vụ rất nhiệt tình vì số lượng sinh viên đến ăn cơm mỗi ngày một đông.  Bên cạnh đó còn có chị Nguyễn Thị Khánh Mỹ cùng giúp mệ phục vụ cơm trưa cho sinh viên.

Nguồn kinh phí mua thực phẩm nấu cơm là mệ đã dành dụm được từ những công việc vất vả. Đó là công việc nấu rượu, buôn men, nuôi lợn. Trong chuồng lúc nào cũng có 3 đến 4 con lợn mập tròn. Những ngày mệ thức khuya, dậy sớm làm men, nấu rượu và chăm đàn lợn, tưởng rằng số tiền đó mệ dành dụm khi về già nhưng không phải như vậy. Mệ đã để dành số tiền ít ỏi của mình mang đến cho sinh viên và những người bán vé số nghèo bữa cơm no bụng, ấm tình thương.

Tình thương của mệ

Ảnh: Nguyễn Đông – Tuổi trẻ

Tôi tỏ ý thắc mắc về động lực để mệ mở quán cơm. Mệ nhìn tôi với ánh mắt an ủi một sinh viên mới bước vào nghề báo, ánh mắt sáng ngời toát lên và giọng nói khe khẽ “ tình thương con ạ!”. “Mệ thấy sinh viên khó khăn, ăn uống khổ cực như cháu mệ hồi đó là sinh viên cũng khó khăn lắm”. Nói đến đây mệ cố rướn lưng còng và ngước lên nhìn thẳng vào mắt tôi như trao cho tôi tình thương. Phải chăng mệ mang tình thương của Chúa- người mà mệ luôn kính thờ? Tình thương đã thúc đẩy mệ làm một cái gì đó giúp đỡ sinh viên nghèo. Thế rồi mệ bắt tay vào công việc, lên thực đơn cho mỗi bữa. Lúc đầu, mệ chỉ dự định nấu 150 xuất, nhưng cứ mỗi ngày càng đông người đến ăn cơm ở quán cơm tình nghĩa này. Khi đó mệ cũng rất khó khăn về tài chính, nhưng tình thương người là nghị lực để mệ vượt qua. Mệ tiếp tục thức khuya dậy sớm bán rượu, bán men để có tiền nấu cơm cho sinh viên nghèo. Chính nghề bán rượu đã cho mệ gặp gỡ các văn nghệ sĩ và là chị tình nghĩa của các nhà văn, nhà thơ. Bởi rượu mệ Hiếu là cầu nối giữa mệ với nhà thơ Vĩnh Nguyên, Hoàng Vũ Thuật, Mai Văn Hoan, Nguyễn Trọng Tạo, Hải Kỳ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Khóe miệng nhăn nhăn của bà lão tuổi 71, mệ cười trong niềm hạnh phúc “có một em sinh viên mỗi tháng gửi cho mệ 200.000 đồng. Mệ không biết tên em đó là chi cả, vì em đó không ghi tên con ạ!” Mệ cũng cho tôi biết: “Từ ngày báo Tuổi Trẻ viết bài về mệ, các tổ chức và cá nhân cũng ủng hộ mệ đó”. Mệ nói đến câu này lòng tôi như thắt lại, không dám nhìn vào đôi mắt đầy tình thương của mệ nữa. Bởi thực sự tôi chưa bao giờ biết việc làm cao cả của mệ và chưa bao giờ giúp đỡ được mệ được gì.

Quây quần bên đứa con tật nguyền

Ngoài trời, mưa ngày càng nặng hạt. Những hạt mưa cuối xuân chưa thật mạnh nhưng giáng xuống nền sân gạch đỏ cũng đủ phát ra tiếng lẹt đẹt. Mưa làm cho không khí trong phòng khách lạnh hơn. Mệ đứng dậy đi về phía cái tủ lim cũ. Mệ bước thật chậm như đôi chân bị một sợi dây buộc chỉ di chuyển được những bước nhỏ. Mệ bật điện để ánh điện làm căn phòng bớt lạnh hơn và bắt đầu kể cho tôi nghe những chuyện đã khắc sâu vào tâm trí.

Tình thương của mệ

Sau giải phóng, từ năm 1977 mọi người trong tổ 6 phường Phước Vĩnh đều biết đến mệ Hiếu với vai trò tổ trưởng tổ dân phố, năng động và nhiệt tình. “ Chỉ ăn bo bo thôi mà răng hăng hái rứa, tham gia hoạt động xã hội lắm”. Đó là những ngày lao động ở Chín Hầm. Mệ bảo hầm số 8 được gọi là “Địa ngục trần gian”. Khu Chín Hầm thuộc ấp Ngũ Tây, làng An Cựu, xã Thủy An. Đây là khu của họ Ngô Đình ngày trước. Sau giải phóng mệ cùng những người tình nguyện đến đây khai hoang. Công việc chính là trồng sắn, trồng khoai.

Ngày ấy mệ Hiếu định không lập gia đình, một cô gái bán rượu xinh đẹp đã quyết ở vậy để nuôi dưỡng bố mẹ già, nuôi em, nuôi cháu. Mệ nhặt một đứa trẻ mới được 13 ngày tuổi về nuôi. Đó là một bé trai kháu khỉnh bị mẹ bỏ rơi. Đứa bé ấy chính là anh Nguyễn Thế Hải. Sau đó mệ lập gia đình để anh Hải có cả cha lẫn mẹ. Ngày qua ngày, anh Hải lớn lên trong vòng tay ấm áp của tình thương cả ba và mẹ, và hạnh phúc biết mấy mệ có thêm một người con gái (chị Trần Nguyễn Hà Lệ Minh). Niềm hạnh phúc chưa được bao lâu thì anh Hải từ một đứa bé bụ bẫm, lớn nhanh như thổi bỗng nhiên đổ bệnh. Anh không thể nói được nữa, miệng méo, hai bàn chân đi tập tễnh với hai tay lẹo ngẹo như người nhiễm chất độc màu da cam. Nước mắt mệ rơi hàng đêm vì một nỗi thương con. Thời gian dần xóa nhòa vết thương lòng. Nói đến đây, cổ họng mệ như nghẹn cứng lại. Tôi cầm tay mệ và lau đi hàng nước mắt trên gò má nhăn nhăn của mệ. Mệ nói tiếp “nó không nói được nhưng khôn lắm đó”. Dường như nỗi buồn này vừa qua, nỗi đau khác lại ập đến, mái ấm gia đình như tan vỡ khi người chồng ra đi vĩnh viễn. Mệ một mình nuôi dậy hai đứa con thơ với nghề làm men, nấu rượu và nuôi lợn.

Giờ đây sống gió cũng đã qua đi, mệ trở về căn nhà số 20 đường Đoàn Hữu Trưng sống cùng hai người con. Anh Hải vượt lên mặc cảm và nỗi đau, hàng ngày anh đi bán vé số để có thêm nguồn thu nhập. Ngôi nhà số 22 trước đây làm quán cơm thì giờ mệ cho thuê. Tầng dưới mệ cho thuê làm quán Internet, còn tầng trên mệ cho sinh viên thuê. “Mệ cho sinh viên ở vậy chứ đôi lúc mệ không lấy tiền. Chúng nó cũng như con cháu mình vậy”.

Ước mơ của mệ

Cách đây một năm ai cũng biết đến quán cơm 2000 đồng của mệ Hiếu, nhưng sau một lần mệ bị ngã, mệ đã không thể mở quán cơm nữa. Đó là lần mệ ngã chống tay trái xuống đất. Sau một thời gian bác sĩ chuẩn đoán mệ bị nhũ não mềm bên phải. Giờ mệ không còn nhanh nhẹn như trước nữa. Mỗi bước chân đi mệ đều phải vin đôi bàn tay run run vào tường hoặc vịn vào bàn ghế. Tôi nắm chặt tay mệ trong nghẹn ngào, là một sinh viên năm thứ hai nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi thực tế và cũng là lần đâu tiên được cầm bàn tay đầy hơi ấm tình thương. Mệ nhìn tôi với ánh mắt cảm thông và nói lên ước muốn. “Mệ chỉ ước mệ có sức khỏe để được tiếp tục nấu cơm cho sinh viên”. Một mong ước thật nhỏ bé nhưng chứa đầy cả một biển trời tình thương. Tôi không biết nói gì chỉ biết cầu Chúa cho mệ được mạnh khỏe mãi để mệ thực hiện được ước mơ này.

Chia tay mệ khi ngoài trời vẫn lác đác những hạt mưa. Mệ chỉ tiễn tôi ra đến cửa nhưng tôi biết đằng sau mệ đang dõi theo tôi. Lòng tôi thấy thật nghẹn ngào và nhớ đến câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:

“Gặp nhau là nhớ mùi rượu Hiếu

Mưa nắng sá gì dốc Phú Cam”

Chia sẻ bài viết:

Bình luận bài viết:

Loading...
Mới nhất Cũ nhất

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn