Đang tải...
 

Bình Thành “khát” đất sản xuất

Bình Thành “khát” đất sản xuất
(TTH) - Người dân tái định cư (TĐC) lòng hồ Tả Trạch và nhà máy thủy điện Bình Điền chuyển về nơi ở mới đã 6 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có đất canh tác, đời sống rất khó khăn.

Khó khăn trăm bề

 

Dưới những cơn mưa đầu tháng 9, chúng tôi có dịp thăm những hộ dân TĐC xã Bình Thành. Mưa cũng đồng nghĩa những người dân nơi đây phải “ăn không ngồi rồi”, bởi công việc chủ yếu của họ là làm te, làm thuê cho các hộ có rừng. Mưa khiến cho gánh nặng cơm áo gạo tiền càng đè nặng lên vai những người dân vốn khó khăn trăm bề. Đến TĐC từ năm 2006, những người dân nơi đây phải nhường những mảnh đất màu mỡ của mình cho dự án. Trong suốt 6 năm, họ sống cuộc sống mà nhiều người nói đùa là “nghèo còn gặp eo”. So với nơi ở cũ, cơ sở vật chất ở đây đầy đủ hơn, có đường bê tông, có điện, có trường cho con em đi học. Một điều quan trọng mà nơi đây thiếu là đất sản xuất. Việc làm thuê làm mướn chỉ là giải pháp tình thế giúp họ sống qua ngày, còn muốn ổn định cuộc sống cần thiết vẫn là có 1 mảnh đất để canh tác.

 

Người dân TĐC gặp nhiều khó khăn

 

Tại thôn Bồ Hòn, tập trung 55 hộ người dân tộc Cơ Tu, sau khi chuyển về nơi ở mới người dân được ở trong những ngôi nhà xây sẵn, đảm bảo theo tiêu chuẩn đền bù TĐC. Tuy nhiên, đời sống người dân lại vô cùng khó khăn. Chúng tôi vào thăm nhà bà Trần Thị Bằng, do dự án TĐC bàn giao có vẻ ngoài khang trang, nhưng vào bên trong không có vật dụng gì có giá trị ngoài chiếc nồi cơm điện cũ, móp méo. Bà tâm sự: “Nhà mình nghèo lắm, 4 miệng ăn mà được 3 sào đất, chỉ trồng được sắn và sả. Hằng ngày phải lên rẫy để trồng trọt thêm. Tội nghiệp 2 đứa cháu bố mất sớm, mẹ bỏ vào Sài Gòn, ngày nắng nóng chẳng có tiền mua máy quạt, muốn xem ti vi cũng chẳng có mà xem...!”.

 

Vấn đề việc làm đang là một bài toán nan giải khi đa số người dân không có việc làm, chủ yếu đi làm thuê làm mướn. Trong đó, nghề te, chặt và khai thác cây tràm là chủ yếu nhưng thu nhập từ công việc này không ổn định. Thường mỗi tháng họ làm từ 10 đến 15 ngày với mức tiền công dao động 100 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/ngày. Mùa mưa coi như không có việc để làm. Nhiều gia đình phải vào rừng khai thác gỗ trái phép mặc dù họ biết là có quy định cấm. Nhưng không có đất canh tác nên họ chấp nhận bị phạt để kiếm nguồn sinh kế. Điều này gây ra những hệ lụy cho môi trường sinh thái và nhiều vấn đề xã hội khác. Xã có nhiều hoạt động tạo việc làm cho người dân như phối hợp với các trung tâm dạy nghề cho người lao động như nghề may, điện… Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn là dấu chấm hỏi.

 

Ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng thôn Bồ Hòn tâm sự: “Dân mình sau khi chuyển về nơi ở mới có nhiều thuận lợi như điện, đường, trường, trạm đều đủ, nhưng đời sống lại khó khăn hơn... Cả thôn khoảng 15 hộ có đất trồng rừng theo dự án WB, số còn lại không có đất để sản xuất. Đời sống khó khăn, người dân chủ yếu sống dựa vào nghề te, nhiều hộ lên rừng khai thác gỗ gây nhiều hệ lụy. Nước sạch cũng là một vấn đề. Hàng ngàn ha rừng đầu nguồn bị nhiễm độc do phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và trâu bò thả rong… Người dân lại dùng nước đó để sinh hoạt là nguyên nhân mà nhiều năm trở lại đây người dân Bồ Hòn mắc phải nhiều bệnh nan y. Mình rất mong các cơ quan cấp trên có thể hỗ trợ giúp đỡ dân TĐC trong vấn đề cấp đất sản xuất cũng như giải quyết vấn đề nước sạch”.

 

Chính quyền và người dân cùng đợi

 

Ông Văn Hữu Khanh, Chủ tịch UBND xã Bình Thành cho biết: “Xã Bình Thành có 275 hộ TĐC tập trung ở 4 thôn Hòa Bình, Hòa Thành, Bình Dương, Bồ Hòn. Với người dân 3 thôn TĐC lòng hồ Tả Trạch mỗi hộ được cấp 0,62 ha, riêng thôn Bồ Hòn mỗi hộ được cấp 2ha. Người dân trước đây sống dựa vào lâm nghiệp nhưng từ khi đến nơi ở mới do quỹ đất hạn chế nên việc bố trí đất sản xuất rất khó khăn. Xã nhiều lần xin UBND tỉnh và thị xã điều tiết giao đất tại các lâm trường cho các hộ tái định cư nhưng vẫn chưa có lời đáp”.

 

Vấn đề thiếu đất canh tác đang là bài toán nan giải cho chính quyền xã Bình Thành và thị xã Hương Trà. Đa phần người dân trước TĐC đều sinh sống bằng nông lâm nghiệp, có đất rộng, màu mỡ cho giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình cho nguồn thu hàng chục triệu từ đậu lạc, chăn nuôi. Nhưng khi đến TĐC, quỹ đất thu hẹp, đất khô cằn, nhiều hộ gia đình thử trồng rau, trồng lạc nhưng không thành công. Ông Hà Văn Cạn, khu TĐC thôn Hòa Bình cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có 21 ha đất rừng đời sống rất khấm khá, nhưng vì lợi ích chung chúng tôi nhường lại đất cho dự án. Thế nhưng, khi đến nơi ở mới không có đất sản xuất, không có việc làm, đời sống càng khó khăn hơn. Người dân chúng tôi thiệt thòi quá. Yêu cầu cấp đất sản xuất thì đợi mãi chẳng thấy hồi âm”.

 

Ông Khanh còn cho biết: Người dân không có đất canh tác chủ yếu sống dựa vào việc làm thuê cho lâm trường nên đời sống rất bấp bênh. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn khá lớn: thôn Bình Dương 80 hộ có 20 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo; thôn Hòa Bình 84 hộ có 16 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo; thôn Hòa Thành 56 hộ có 9 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo; thôn Bồ Hòn 55 hộ có 4 hộ nghèo.

 

Thiếu đất sản xuất đang trở thành gánh nặng cho Bình Thành, xã có nhiều hộ TĐC của thị xã Hương Trà. Mặc dù, xã chú trọng nhiều đến công tác đào tạo việc làm như phối hợp với các trung tâm dạy nghề đào tạo ngắn hạn cho các lao động trong xã nhưng không mấy hiệu quả. Điều mà cả người dân và chính quyền xã Bình Thành mong ngóng là tỉnh cần có chủ trương giao đất, giao rừng đến tay người dân để người dân sớm ổn định cuộc sống.

 

Bài, ảnh: Hoàng Loan

 

Chia sẻ bài viết:

Bình luận bài viết:

Loading...
Mới nhất Cũ nhất

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn