Đang tải...
 

Vui với làng bún Vân Cù

Vui với làng bún Vân Cù
(TTH) - UBND tỉnh vừa có Quyết định số 717 công nhận làng nghề sản xuất bún tươi Vân Cù là làng nghề truyền thống. Đây là một tín hiệu vui đối với bà con làng nghề, cũng là bước tiến khẳng định tiếng tăm và thương hiệu của làng bún Vân Cù.

Tiếng tăm làng bún Vân Cù ngày càng vang xa sau khi có quyết định công nhận
làng nghề

Sống với nghề

Làng Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) nằm về phía bắc TP Huế. Nơi đây nổi tiếng bởi nghề truyền thống làm bún gạo tươi có lịch sử hơn 400 năm. Trải qua thời gian phát triển, nghề làm bún ở Vân Cù đã thay đổi ít nhiều kéo theo sự đổi thay bộ mặt của một làng nghề truyền thống. Vân Cù bây giờ như một làng quê khá trù phú, nhộn nhịp, tất cả cũng nhờ những sợi bún bé nhỏ, dẻo dai được tạo nên từ những “hạt ngọc” đồng quê của làng. Trước đây, bún được sản xuất theo phương pháp truyền thống, qua nhiều công đoạn, tốn thời gian công sức. Giờ đây, từ những hạt gạo trắng ngần, xay thành bột, được ủ chua đủ thời gian rồi cho vào máy ra những sợi bún dẻo dai. Nhìn những sợi bún trắng ngà, cứ ùn ra từ miệng chiếc máy, chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Ngạc nhiên vì sự biến hình của những “hạt ngọc” thành sợi bún. Thích thú với tay nghề chuyên nghiệp và sự say mê của những người thợ mộc mạc nơi làng quê.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Sanh Kình, một trong những hộ sản xuất bún lâu đời và có tiếng nhất làng. Trong cơ ngơi khang trang nhờ chắt chiu từ nghề, ông cho biết: “Mỗi ngày, gia đình ông cung cấp cho thị trường trên 300kg bún tươi. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông thu lãi trên 500 ngàn đồng/ngày. Các hộ không có dây chuyền vẫn duy trì mức lãi từ 150 đến 200 ngàn đồng mỗi ngày”.

Hiện nay, Vân Cù có gần 50% số hộ (160/350) trực tiếp làm nghề sản xuất bún, số hộ còn lại cũng “có chân” trong việc cung cấp nguyên vật liệu, đưa bún ra khắp các huyện, thị thành phố. Mỗi ngày, các lò bún ở đây cung cấp cho thị trường trên 22 tấn bún các loại. Hộ ít, sản xuất 1-2 tạ, hộ nhiều 3-4 tạ/ngày. Chưa kể các dịp lễ, tết phải tăng gấp đôi công suất. Không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, nhiều hộ gia đình ở đây đã đầu tư máy móc, cải tiến kỹ thuật. Hiện xã Hương Toàn nói chung và làng Vân Cù nói riêng có khoảng trên 70 hộ sử dụng máy, bên cạnh việc sản xuất cho gia đình mình còn “nặn” bún cho người dân trong làng để cả làng cùng chuyện nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề sản xuất bún tươi truyền thống. 

Để làng nghề phát triển bền vững

Ngày 18/7/2014, làng Vân Cù long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh và đón nhận bằng công nhận làng nghề truyền thống sản phẩm bún tươi Vân Cù. Cả làng vui như ngày hội lớn. Ông Nguyễn Văn Tích, Chủ tịch Hội nghề bún tươi Vân Cù hồ hởi: “Sau khi được công nhận làng nghề truyền thống, tiếng tăm làng nghề được vang xa hơn, tạo cơ hội giúp nghề bún, bún Vân Cù khẳng định thương hiệu trong lòng người tiêu dùng”. Trước đó, bún tươi Vân Cù cũng đã được địa phương đăng ký nhãn hiệu (2012), đăng ký thương hiệu và logo cho sản phẩm bún tươi Vân Cù vào năm 2013. Chị Nguyễn Thị Thanh, một người bán bún Vân Cù vui vẻ: “Sau khi có quyết định công nhận làng nghề, các sản phẩm bún của chúng tôi bán chạy hơn hẳn. Nhiều người mua hàng còn hỏi phải bún Vân Cù không mới mua, khiến chúng tôi vô cùng tự hào”.

Cùng với bún Vân Cù, dịp này, Hương Trà còn có làng nghề truyền thống bánh tráng, bánh ướt Lựu Bảo và mộc An Bình đều thuộc phường Hương Hồ được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. 

Anh Nguyễn Văn Tho, Chủ tịch UBND xã Hương Toàn cho hay: “Năm 2012, địa phương cũng đã được Sở Khoa học Công nghệ và môi trường tỉnh đầu tư nguồn vốn trên 2,8 tỷ đồng để thực hiện dự án xây dựng mương xử lý nước thải vệ sinh môi trường làng nghề”. Đến nay, 80% số hộ có sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi và 100% số hộ đã xây dựng bể lắng, lọc trước khi xả thải ra mương xử lý. Tình trạng ô nhiễm môi trường cơ bản được giải quyết. Chính điều này đã trở thành động lực lớn tạo nên sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ cho làng nghề bún Vân Cù.

Hiện, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao lợi nhuận, Hương Toàn đang rất quan tâm đến vấn đề phát triển làng nghề bền vững và từng bước đưa làng nghề bún Vân Cù phát triển mạnh mẽ với nhiều việc làm thiết thực như: tìm kiếm thông tin về giá cả, thị trường; nguồn cung cấp nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ hội viên nắm bắt các kiến thức pháp luật, tăng cường khả năng cạnh tranh...; có phương án hợp lý để bảo vệ môi trường, đảm bảo làng nghề phát triển bền vững.

Sưu tầm

Chia sẻ bài viết:

Bình luận bài viết:

Loading...
Mới nhất Cũ nhất

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn