Ơi, những công trình!
Đón tết, vui xuân cùng chúc nhau những gì tốt đẹp cho ngày mai. Tôi bồi hồi, xúc...
Làng Lương Mai thuộc địa phận xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với diện tích khoảng 3,2 km2. Dân số khoảng 1200 người. Theo tài liệu của những người tiền bối kể lại rằng làng Lương Mai được hình thành từ khoảng thế kỉ XVII, vào thời chúa Nguyễn. Cuộc khai phá của chúa Nguyễn đã hình thành nên làng Lương Mai với những người đầu tiên là gia tộc họ Độ đến họ Trần, sau đó là họ Nguyễn. Với lịch sử hình thành lâu đời. Cái mảnh đất nhỏ nhắn đó - giản dị như một lẽ tự nhiên, một vầng trăng cổ tích huyền ảo gợi lên trong thế giới “ngày xửa ngày xưa”, một điệu hồn mềm mại trong sáng vút ngân tự trái tim nồng nàn yêu thương của mẹ trong những lời ru đong đầy vành nôi…tất cả thấm vào tâm hồn tôi tự bao giờ. Dòng nước ngọt ngào của tình mẹ, sự ân cần, lo toan của tình cha đã ươm lên mảnh đất tâm hồn tôi những hạt giống tốt lành đầu tiên để từ đó nảy mầm xanh tươi vươn lên đón nhận nắng gió của cuộc đời.
Thế giới tuổi thơ tôi – thế giới của trí tưởng tượng bay bổng, hồn nhiên, ngây thơ của đứa con trẻ chưa biết “sự đời” là gì nó thật kì diệu làm sao! Nó gắn bó sâu xa tựa như trở thành hơi thở, trở thành máu thịt nuôi dưỡng tâm hồn. Giờ đây tôi đã 21 tuổi, đã trưởng thành và đã hiểu chuyện nhưng tôi chưa bao giờ quên được những kí ức tuổi thơ tuyệt diệu ấy. Và tôi nhớ! Nhớ những ngày trốn học thời mẫu giáo, mặc dù các cô giáo giữ rất chặt, đóng cửa rất kĩ nhưng tôi vẫn trốn học cùng bạn đi lơ ngơ giữa trưa hè nắng chang chang, mặt mày lem lúa, nước mũi, nước dãi như hai sợi bún chảy lòng thòng xuống miệng, bắt những con bướm, con chuồn, hái nào là thân me, nào lá dứa non để ăn… bị mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc với hi vọng để mẹ không phải đánh, và nói nũng với mẹ “mẹ đừng mét ba là con trốn học đó mẹ nghe, ba dữ òm! Đập đau lắm! Con hứa với mẹ lần sau không trốn học nữa”. Nghe con mình nói vậy thì mẹ nào mà nỡ trách con nữa các bạn nhỉ?. Tối hôm đó tôi ăn cơm, đi ngủ sớm vì sợ chắc chi ba đi làm về mẹ sẽ mách ba đánh một trận ra hồn. Có những ngày nước cạn đi bắt con cá, con cua thấy vui lạ lùng, những đêm trăng thanh gió mát thì bọn con nít trong xóm chúng tôi tụ tập lại chơi những trò chơi dân gian như: nhảy giun, chơi ô làng, banh xỉu… vui ơi là vui, không thể tả nổi.
Có những đêm chúng tôi rủ bè kéo cánh để thực hiện nhiều phi vụ rất quan trọng và thú vị đó là “trộm” xoài, ổi, bưởi… của mấy nhà trong xóm, trong làng, nếu hên thu hoạch được mùa thì tha hồ ăn chơi, đúng là của “chùa” ngon thật. Nếu xui, bị chủ nhà bắt quả tang, đứa nào lanh lẹ tẩu thoát được còn may, đứa nào bị tóm thì “khi đi trai tráng, khi về bụng beo”. Quê tôi nghèo không giống như những nơi khác có hồ tắm, bể bơi… đó là những cái xa xỉ, những thứ nhân tạo đó sẽ không bao giờ đẹp và tồn tại vĩnh viễn, chỉ có những cái tự nhiên mà tạo hóa ban tặng như sông, suối, trằm… quê tôi mới đẹp làm sao, đối với con nít tụi tôi đó là nơi tắm mát thân thể và tâm hồn tuyệt vời mỗi chiều buông xuống, khi lùa đàn trâu về nhà.
Mùa bão lũ đến, tôi vô cùng mừng và sung sướng vì được “nghịch nước”, nhảy xuống giường vỗ tay, nhảy ầm ầm hét to: “Hoan hô nước vô nhà, hoan hô nước vô nhà, đã thiệt…”,
rồi cùng với đứa em gái đồng lõa, trốn ba chặt những cây chuối sau vườn, chặt cọc kết chuối thành bè chống đi chơi cùng bạn, cùng bè. Trong khi con trẻ vui mừng, nhỏ dại thì đâu biết ba mẹ, ông bà, hàng xóm tất bật, bận rộn dọn nhà, dọn đồ đạc đi trốn lũ, cùng với những nỗi lo toan, lo lắng những thiệt hại của lũ mang lại hiện trên nét mặt nhăn nheo của ông bà, xanh xao của bố mẹ thức trắng đêm vì bão lũ.
Lớn lên, đi học xa tôi lại yêu quê hương, yêu cái làng của tôi da diết hơn. Cái tình yêu quê hương xứ sở đã thấm sâu vào trái tim của tôi vô cùng sâu đậm và bạn có như tôi không?. Dù có đi đâu nữa bản thân tôi cũng không thấy nơi nào bình yên hơn cái nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, nơi những cánh đồng lúa xanh rì như những tấm thảm xanh mướt lung linh trong nắng mai, bức tranh dệt của hoàng hôn chiều buông.
Cái ngày tôi vào đại học, bố nhấp chén say không giấu nỗi cái mừng, khấp khởi mẹ cười lại thành thật nỗi lo. Và một ngày nọ, tôi vô tình nghe rằng hai người mẹ nói chuyện với nhau: “ O nà! Nghe con học xa về thì mừng, mà cũng buồn” , “tui cũng rứa chị nờ! Mừng vì thấy được con, buồn vì không có tiền cho con hắn vô” tiếng nói của những người nông dân nhà quê chất phác, đậm chất Huế mình tôi nghe sao thương vô hạn, bỗng người tôi có một cái gì đó đau nhói vô cùng, rơm rớm nước mắt. Người nông dân là vậy đó, hiền hậu, chất phác, thật thà, hi sinh, chịu đựng vì con, vì cái. Làng Lương Mai mình đại đa số đều là làm nông nghiệp, nghèo khổ nhưng con cái đều học hành đến nơi đến chốn và tỉ lệ đỗ đạt cao, tôi tự hào nhất điều đó và khẳng định rằng đó là “ Làng hiếu học”, “Làng nòi”, hi vọng rằng thế hệ đàn em sau này tiếp tục kế thừa và làm rạng danh làng ta hơn nữa, để được những điều đó là nhờ vào công ơn nuôi dưỡng, thương con, chịu thương chịu khó của ba mẹ, sự cố gắng, hiếu thảo của các con là chúng ta đây. Bởi thế chúng ta phải cám ơn Trời đã tạo hóa ra cái mãnh đất “thiêng” ấy, cảm ơn cha mẹ đã sinh ra ta, nuôi dưỡng ta nên người. Và tôi nghĩ rằng nên có những trợ cấp, phần thưởng, học bổng từ những hội đồng hương, tộc họ… thưởng cho các em học giỏi, đỗ đại học, cao đẳng để lấy đó niềm động lực cho các thế hệ sau.
Chẳng biết tự bao giờ, tình yêu quê hương, làng quê đậm đà, từ vành nôi, câu hò của mẹ: “gió mùa thu mẹ ru con ngủ” nó thấm sâu vào tâm hồn tôi, hình thành trong tôi tự trong tiểm thức… mà mỗi khi xa quê tôi thấy nhớ nó diết da. Tôi hi vọng rằng, nếu ai đọc được bài này sẽ có những suy nghĩ, cái nhìn khác về cái mãnh đất ấy, nơi cùng ta chia ngọt sẻ bùi đầy tình người, đầy tình nghĩa xóm giềng, nơi cái tổ ấm mà ta đang có. Hãy cùng tôi tự hào vì chúng ta là người con của đất Lương Mai các bạn nhé!
Trần Đăng Huynh
Đón tết, vui xuân cùng chúc nhau những gì tốt đẹp cho ngày mai. Tôi bồi hồi, xúc...