Đã từng tồn tại qua 2 cuộc chiến chống Pháp, Mỹ với bao lửa đạn nhưng Ngọ Môn Huế vẫn may mắn không bị bắn sập hay hư hại nặng. Tuy nhiên, do sự tàn phá của thời gian, đến nay, công trình kiến trúc độc đáo với 2 tầng làm bằng đá, gỗ quý này đã bị tác động nghiêm trọng.
Theo Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cửa Ngọ Môn đã bị hư hỏng ở nhiều điểm mà nhiều nhất là ở lầu Ngũ Phụng phía trên. Cụ thể, hệ thống khung gỗ bị rệu rã; hệ thống mái Tả Dực Lâu - lầu bên trái ở hệ thống lầu Ngũ Phụng (tầng 2 của Ngọ Môn) đã bị lệch ra 20 phân, rất nguy hiểm nên trung tâm phải dùng tăng để néo lại. Các họa tiết trang trí theo kiểu sơn son thếp vàng trong nội thất như cột gỗ, tường gỗ bị phai nhạt. Hệ nền đài làm bằng đá mà đặc biệt là 5 cửa vòm bằng đá tảng to dẫn từ cửa Ngọ Môn vào bị thấm nước. Ngoài ra, hệ thống sân vườn, trụ đỡ bằng đồng, gạch bát tràng, đá thanh xung quanh cũng đã quá cũ kỹ.
Ngọ Môn - hình ảnh đầu tiên thu vào mắt du khách khi vào thăm Hoàng thành Huế đang bị hư hại nặng nề qua thời gian.
Cách đây 20 năm, cửa Ngọ Môn đã từng được trùng tu vào năm 1991 với số tiền 100.000 USD của quỹ UNESCO thông qua Nhật Bản. Tuy nhiên số tiền này không đủ để tu bổ hết các cấu phần phức tạp của Ngọ Môn mà mới đi vào sửa chữa một số cấu kiện, họa tiết trang trí và mái lợp.
TS. Phan Thanh Hải, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết vào năm 2009, Trung tâm đã phối hợp với Viện bảo tồn di tích lập dự án “Trùng tu tổng thể Ngọ Môn” với kinh phí 60 tỷ đồng nhằm trung tu bộ khung gỗ, sơn son thếp vàng các cột, vách và trang trí họa tiết. Qua 3 năm, do trượt giá nên dự án đã lên tổng kinh phí là 100 tỷ đồng, tuy nhiên chưa xin được tài trợ.
“Một điều đáng mừng là nhân chuyến đi thăm Huế của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cách đây không lâu, đi cùng có thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Nguyễn Văn Bình. Trong lần đó, ông Bình đã hứa trước thủ tướng, tỉnh Thừa Thiên - Huế và trung tâm chúng tôi là sẽ tài trợ Huế 1 dự án 100 tỷ để trùng tu di tích. Đến nay, trung tâm đang xúc tiến dự án cùng Viện bảo tồn di tích như trên với kinh phí 100 tỷ trùng tu Ngọ Môn - một công trình cực kỳ quan trọng trong di sản văn hóa vật thể Huế đến với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có thể xin vốn nhằm triển khai nhanh việc sửa chữa công trình này. Nếu được sửa chữa thì chúng tôi sẽ làm từng phần, không ảnh hưởng đến việc vào ra Hoàng thành Huế cho du khách” - ông Hải cho biết thêm.
Một lầu trong hệ thống lầu Ngũ Phụng đã rất yếu khi các cột bằng gỗ lim phải được chống đỡ thêm bằng cột sắt
Ngọ Môn được xây dựng hoàn thành vào năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng và là cửa chính cho vua, quan, binh lính, voi ngựa đi vào hoàng thành các dịp họp, lễ. Nơi đây ngày xưa vẫn thường diễn ra các lễ lạc quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Ban sóc (ban lịch mới), Truyền Lô (tuyên đọc tên tiến sĩ tân khoa)... Vào lễ tứ tuần đại khánh xưa kia (năm 1923) của vua Khải Định, Ngọ Môn đã được tháo dỡ ra sửa chữa một lần. Ngày 25/8/1945, đây cũng là nơi chứng kiến lễ đọc tuyên ngôn thoái vị và trao ấn kiếm của Bảo Đại (vị vua cuối cùng triều Nguyễn) cho nhà nước lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Riêng Lầu Ngũ Phụng là phần lầu đặt ở phía trên đài - cổng Ngọ Môn. Ngoài phần thân đài, lầu còn được tôn cao bởi một hệ thống nền cao 1,15m cũng chạy suốt thân đài hình chữ U. Lầu có hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim với chẵn 100 cây cột. Mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hồi lang. Mái tầng trên chia thành 9 bộ, với rất nhiều hình chim phụng trang trí ở phần bờ nóc, bờ quyết, khiến tòa lầu trông rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói lưu ly màu vàng, tám bộ còn lại lợp ngói lưu ly màu xanh.
Dưới đây là những hình ảnh phản ánh độ hư hại của cửa Ngọ Môn vào ngày 20/3:
Toàn bộ cột gỗ ở phía trước lầu Ngũ Phụng đã phải có giá sắt chống đỡ
Các hàng cột ở Tả Dực Lâu và Hữu Dực Lâu (2 bên lầu Ngũ Phụng) cũng tương tự
Một cột gỗ được sự "giúp sức" của 4 cột sắt
Mỗi mọt ăn gần hết phần trụ gỗ chính của 1 cột chính ở lầu Ngũ Phụng
Một diềm mái bằng gỗ bị gãy được chống bằng cột
Nền gạch hoa vá lỗ chỗ
Trống đại bị thủng nhiều chỗ
Phải dùng dây níu lại 2 mái với nhau
Tường gỗ cũng được chằng
Các hàng cột đã tróc gần hết lớp sơn
Tả Dực Lâu được chống đỡ nhiều nhất và giăng dây cảnh báo không được vào nơi hư hại
Gạch ở lan can miếng còn miếng không
Gạch bát tràng lát sân đã quá cũ
Rêu, dương xỉ mọc đầy mái ngói hoàng lưu ly ở mặt chính mái ngói lầu Ngũ Phụng
Các họa tiết, son son thếp vàng bong tróc và 1 cửa hình mặt trăng bị nứt
Dùng sắt kẹp lấy phần lan can sắp bị bung gạch ra
Đá tảng lót bậc cấp cũng được trét xi măng tạm cho vững
Sơn bong từng mảng
Cửa kính xuống cấp
Du khách ngồi chơi trong lầu trống được chằng cột xung quanh
Một diềm mái gần rơi xuống
Cửa chính ra vào có trần làm bằng đá nhiều lần được tô trét chống rỉ nước
Cửa phụ ra vào thì đang thấm nước nhiều. Những ngày trời mưa, du khách đi qua có thể nước nhỏ giọt lên đầu.