Lời cảm ơn và danh sách hội viên đã đóng góp quỹ Hội
Kính gửi: Quý hội viên Hội Đồng hương Lương Mai, Thay mặt Ban Liên Lạc Hội Đồng hương, chúng...
Bàng sợi là một loài nê thực vật thân thảo đa niên nhờ căn hành cứng, nằm, to 8-10 mm, thân đứng cao 1-1,5 m, có ngấn ngang, đáy có bẹ bao cao 15-20 cm. Hoa nâu sậm, tạo thành gié dài 1,5-2 cm, rộng đến 1 cm, ở chót thân, to 1cm. Nhị 9-12, vòi nhụy chẻ đôi. Quả dạng bế cao 3-4 mm. Cây thích hợp với vùng trũng chua phèn. Nhiều nơi gọi tên “bàng”, nghe qua dễ nhầm với cây bàng biển, thường được trồng che bóng. Cũng có nơi gọi là cỏ bàng. Tôi đề nghị gọi là bàng sợi, vì nó đã được dùng làm nguyên liệu như dạng sợi để đan đát nhiều vật dụng khác nhau. Bàng sợi có tên khoa học là Lepironia articulata (Retz.) Domin., thuộc họ Cói – Cyperaceae. Từ năm 2005, sau khi Dự án bảo tồn khai thác bền vững đồng cỏ bàng sợi 2.800 ha ở xã Phù Mỹ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang được được khởi động, nhiều bài báo tập trung đưa tin khiến cả nước bắt đầu biết đến cây bàng sợi và nghề đan bàng sợi ở đó. Trong lúc đó, nghề đan bàng sợi ở làng Phò Trạch Đệm là một nghề truyền thống có cả trăm năm nay, mà sản phẩm truyền thống khó quên với người dân miền Trung, chí ít cũng là Thừa Thiên Huế, là những chiếc đệm trải giường tre cho người lớn nằm và những chiếc chẹ trải nôi cho trẻ con, hầu như rất ít người miền Nam và miền Bắc biết tới. Đệm tuy không đẹp mã như chiếu lác, nhưng với lối sống dân giả thì nó lại khá phù hợp. Do mặt đệm phẳng hơn nên vào mùa nắng nóng, trải nó trên vạc giường tre, người nằm có cảm giác mát lưng hơn nằm chiếu lác. Do mỏng hơn và phẳng hơn chiếu lác nên khi giặt cũng dễ sạch và chóng khô hơn… Chính mặt hàng “đệm truyền thống” đã khiến tên làng mang thêm chữ “Đệm”. Trong vài chục năm trở lại đây, không dừng lại ở hai loại sản phẩm truyền thồng đó, người dân Phò Trạch Đệm còn phát triển nhiều mặt hàng như, túi xách, mũ rộng vành du lịch, thảm trang trí, tấm trải ghế bành, tấm lót cửa ra vào, nệm ngồi, khay trưng bày hàng mỹ nghệ… Năm 2006, trong lễ hội ngành nghề truyền thống, Phò Trạch Đệm đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao huy chương đồng về mặt hàng túi xách đan bằng bàng sợi.
Điều mà chúng tôi luôn trăn trở sau khi đến thăm làng Phò Trạch Đệm trở về là vấn đề bảo tồn, khai thác bền vững cây bàng sợi và phát triển nghề truyền thống đan đát từ loại nguyên liệu thiên nhiên này.
1. Vấn đề bảo tồn, khai thác bền vững cây bàng sợi
Hiện nay, mặc dù làng nghề Phò Trạch Đệm đã đa dạng hóa sản phẩm, nhưng do đầu ra còn bấp bênh, chưa có một nơi nào bao tiêu sản phẩm nên việc phát triển qui mô sản xuất rất hạn chế. Điều này khiến cho việc bảo tồn, phát triển cây bàng sợi ít được chú ý. Hầu như một số người theo nghề đan bàng còn có tư tưởng nhờ trời. Nơi nào còn cây bàng sợi hiện hữu thì họ tận dụng khai thác. Một khoảnh vài ba chục đến vài trăm mét vuông bàng sợi xen lẫn giữa đồng ruộng lúa, một vài rẽo bàng sợi mọc tự nhiên cùng nhiều loài cỏ dại ngập nước khác ven các trằm, bàu được xem là vùng nguyên liệu trời cho. Ở đất ruộng lúa thì còn có chủ sở hữu, còn ở các trằm bàu thì khai tác tự phát và tự do, mạnh ai nấy được. Nhiều người dân làng Phò Trạch Đệm vào khai thác bàng sợi tận các trằm trên đất Quảng Điền, chẳng bao giờ gặp sự cản trở của dân địa phương. Vì ở đó có ai làm nghề này bao giờ, người dân Phò Trạch Đệm đến cắt cây bàng sợi chẳng khác gì đến cắt cỏ, làm vệ sinh mặt trằm giúp dịa phương Quảng Điền. Như vậy thì làm gì có chuyện khai thác bền vững được đặt ra ở đây. Với kiểu tồn tại manh mún đó, cũng chẳng bao giờ có được một dự án, dù chỉ một phần mười dự án bảo tồn, khai thác bền vững do Hội Sếu quốc tế đầu tư đến cả vài trăm triệu USD ở Phù Mỹ, tỉnh Kiên Giang.
Như vậy, việc bảo tồn, phát triển để khai thác cây bàng sợi hoàn toàn phụ thuộc vào qui mô phát triển nghề đan bàng. Sau này, nếu thời cơ thuận lợi, nhu cầu nguyên liệu được nâng lên, chắc chắn việc mở rộng diện tích trồng bàng sẽ là điều tất yếu; dù không muốn, người dân cũng phải hạch toán, cân nhắc để chuyển đổi một phần đất lúa nước năng suất thấp sang trồng bàng. Có vùng chuyên canh bàng sợi rộng hằng trăm ha sẽ nảy sinh chuyện bảo tồn các loài chim lưu trú. Lúc đó, nhiều bài toán cần lời giải lại được nêu ra: bảo tồn đồng bàng như một sinh cảnh đa dạng sinh học; kĩ thuật làm đất, gieo trồng, chăm bón; kĩ thuật xử lí nguyên liệu đầu vào để có sản phẩm chất lượng cao và đẹp mã; kĩ thuật xử lí, bảo quản sản phẩm đầu ra; xác định thị trường…
2. Vấn đề phát triển nghề truyền thống đan bàng sợi
Như vậy, vấn đề then chốt vẫn là đầu ra. Theo tôi, trước hết Hợp tác xã Nông nghiệp sở tại cần năng động hơn nữa để tìm ra một lối đi thích hợp nhằm thúc đẩy phát triển nghề. Có thể tìm nguồn tài trợ, tìm đối tác tiêu thụ đồng thời nghiên cứu đối sách. Biết đâu, ngay cả trong tỉnh nhà, có một vài cơ sở dịch vụ thương mại sẵn sàng hợp tác, nhưng chưa có nhịp cầu. Câu chuyện “Hợp tác xã dịch vụ thương mại Thuận Thành đến tận huyện miền núi A Lưới mở lớp đào tạo nghề cho phụ nữ, cung cấp nguyên vật liệu cho chị em sản xuất rồi bao tiêu sản phẩm” cũng đáng để Phò Trạch Đệm suy nghĩ.
Chính quyền địa phương cũng nên có những nghiên cứu hỗ trợ, thúc đẩy, tìm nguồn tài trợ, liên kết khoa học kĩ thuật giúp cho Phò Trạch Đệm có thêm điều kiện phát triển nghề đan bàng, đừng để một làng nghề truyền thống đã có danh chịu cảnh mai một dần.
Kính gửi: Quý hội viên Hội Đồng hương Lương Mai, Thay mặt Ban Liên Lạc Hội Đồng hương, chúng...
Vào lúc 10h ngày Chủ Nhật 15/12/2024, tại Nhà hàng Tân Uyên Ương, hội Đồng hương Làng Lương Mai tại Tp.Hồ Chí Minh...
Vào lúc 10h ngày Chủ Nhật 10/9/2023, tại Nhà hàng Phương Sơn, Lái Thiêu, Bình Dương, hội Đồng hương Làng Lương Mai...