Để giúp các địa phương triển khai sản xuất vụ Hè Thu 2014. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đưa ra một số giải pháp kỹ thuật cụ thể như sau:
1. Cây lúa
- Thời vụ: Thời vụ phải gắn với cơ cấu giống, khung thời vụ chính vụ Hè Thu 2014 từ 15/5 đến 31/5/2014.
- Ruộng chủ động tưới tiêu:
+ Từ 15/5-20/5: sử dụng giống dài ngày.
+ Từ 20-25/5: sử dụng giống trung ngày.
+ Từ 25-31/5: sử dụng giống ngắn ngày.
- Riêng đối với ruộng trũng: Gieo sạ từ 20-25/5 phải sử dụng giống ngắn ngày để hạn chế mưa ngập cuối vụ.
Một số vùng sản xuất có điều kiện đặc thù về phân bổ nguồn nước tưới khó khăn vào đầu vụ hoặc cuối vụ sản xuất có thể gieo sớm (trước 15/5) hoặc gieo muộn hơn nhưng cần phải kết thúc xuống giống trước ngày 10/6.
- Cơ cấu giống: Trong điều kiện vụ Hè Thu 2014 được dự báo tình hình thời tiết khô hạn và thiếu nước cho sản xuất. Vì vậy, tập trung sản xuất các giống lúa trung, ngắn ngày có chất lượng, thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu để đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và hạn chế rủi ro cho sản xuất.
Tăng cường sử dụng các giống lúa trung, ngắn ngày như: HT1, BC15, BT7, OM6976…
Đối với các giống lúa dài ngày: NX30, Xi23... phải gieo sạ trước ngày 20/5 và gieo sạ ở chân ruộng chủ động nước để hạn chế bị ảnh hưởng do mưa lũ ở cuối vụ.
- Làm đất: Ruộng lúa phải dọn sạch cỏ dại, cày sâu, làm đất nhuyễn; mặt bằng tốt để thuận lợi cho việc điều tiết nước, xử lý thuốc cỏ, chế độ bón phân sau này. Đất sau khi làm xong lên luống tùy theo diện tích ruộng, chiều rộng luống khoảng 2m để tiện chăm sóc và thoát nước.
- Biện pháp gieo sạ:
+ Lượng giống: 4-5kg/sào (500m2).
+ Ngâm ủ:
Nªn xö lý gièng b»ng níc nãng 540C (3 s«i 2 l¹nh) để loại bỏ hạt lép lững và lẫn tạp. Ngâm trong nước sạch 24 giờ. Rửa bằng nước sạch 2-3 lần để ráo nước, ủ trong 36 giờ. Chú ý đảo giống thường xuyên để hạt nảy mầm tốt và đều.
- Nước: Vụ Hè Thu 2014 được dự báo hạn hán sẽ xảy ra gay gắt gây ảnh hưởng đến sản xuất, do vậy cần có các giải pháp chuẩn bị đối phó và khắc phục tình trạng khô hạn thiếu nước để đảm bảo đủ nước tưới, hạn chế tối đa thiệt hại. Các địa phương cần tổ chức kiểm tra toàn bộ các hệ thống hồ đập, kênh mương; vận động nông dân nạo vét kênh mương tưới tiêu nước hiệu quả và tiết kiệm.
- Bón phân: Các giống lúa cơ cấu trong vụ Hè Thu 2014 đa số chịu thâm canh cao tiềm năng năng suất lớn nên trong quá trình sản xuất phải đầu tư thâm canh, chăm sóc bón phân đầy đủ cân đối, đúng lúc đúng cách để phát huy tiềm năng của giống.
Trước khi gieo sạ 10-15 ngày nên xử lý vôi 20-25kg/1 sào (500m2).
+ Bón lót: Bón trước khi bừa lần cuối mỗi sào 500kg phân chuồng hoai (nơi nào không có phân chuồng có thể thay thế bằng 20kg N.P.K Humic) và 20kg super lân, để giúp bộ rễ phát triển nhanh, khoẻ, hạn chế bệnh đốm nâu nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ. Đối với những chân ruộng xấu, bạc màu, dinh dưỡng kém có thể bón lót thêm mỗi sào lúa 2kg ure + 1kg kali.
+ Bón thúc:
Đối với giống trung ngắn ngày: Để tránh tình trạng bón phân theo tập quán bón cho giống dài ngày làm ảnh hưởng đến các giai đoạn sinh trưởng phát triển thiết yếu của cây lúa trung-ngắn ngày, các địa phương nên bón phân theo chế độ như sau:
Tổng lượng phân cho 1 sào (500m2): Urê: 8kg, NPK (16:16:8): 5kg, Kali: 6kg, DAP: 2kg. Cách bón:
. Sau sạ: 8-10 ngày: 2kg Ure + 3kg Kali + 2kg DAP
. Sau sạ 25-30 ngày: 3kg Ure + 3kg NPK
. Sau sạ 45-50 ngày: 3kg Ure + 3kg Kali + 2kg NPK
Đối với giống dài ngày: Tổng lượng phân cho 1 sào (500m2): Urê: 9kg, NPK (16:16:8): 6kg, Kali: 6kg, DAP: 2kg. Cách bón:
. Sau sạ 10-15ngày: 2kg Urê + 3kg Kali + 2kg DAP
. Sau sạ 25-30ngày: 2kg Urê + 2kg NPK
. Sau sạ 40-45ngày: 2kg Urê + 2kg NPK
. Sau sạ 60-70ngày: 3kg Urê + 3kg Kali + 2kg NPK
- Trừ cỏ: Sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm hoặc hậu nảy mầm (vụ Hè Thu thường hay thiếu nước nên tùy thuộc vào ruộng chủ động nước hay không để lựa chọn thuốc, nếu ruộng không đảm bảo chủ động nước sau khi sạ để phun thuốc tiền nảy mầm thì nên chuyển sang dùng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm) để trừ cỏ ngay từ đầu vụ để ngăn ngừa sự cạnh tranh dinh dưỡng cũng như ánh sáng của cỏ dại đồng thời hạn chế nguồn ký chủ của sâu bệnh.
- Thuốc tiền nảy mầm: Sofit 300EC, Prefit 300EC, Sonic 300EC…phun 1-3 ngày sau sạ.
- Thuốc hậu nảy mầm: Sirius 70WDG, 10WP; Pyanchor 3EC; Tempest 36WP, Quinix 32WP…phun sau sạ 5-7 hoặc đến 10 ngày sau sạ. Sử dụng thuốc theo khuyến cáo trên nhãn bao bì.
- Một số khâu kỹ thuật khác cần quan tâm
+ Chú trọng các giải pháp sạ thưa, sạ hàng nhằm giảm lượng giống gieo sạ trên đơn vị diện tích, cây lúa khỏe, ít nhiễm sâu bệnh hơn…
+ Sử dụng hạt giống chất lượng để tăng hiệu quả sản xuất. Có kế hoạch giống dự phòng và mở rộng nhân giống trong nông hộ để đảm bảo nguồn giống cho vụ sau.
+ Vận động nông dân ứng dụng thực hiện chương trình “3 giảm 3 tăng” và phòng trừ sâu bệnh hại theo chương trình IPM nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường sinh thái.
+ Vận động nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới để trồng một số cây màu khác như: cây ngô lai, cây đậu xanh cao sản, cây mè cao sản,…
+ Thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại, đặc biệt chú ý đối tượng chuột ở đầu vụ và phải tăng cường các biện pháp diệt chuột xuyên suốt cả vụ.
+ Sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”.
2. Cây rau màu
- Những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả có thể chuyển sang trồng ngô lai, đậu xanh cao sản. Những vùng đồi gò cao có thể gieo trồng mè cao sản.
- Làm đất kỹ, tơi xốp và đảm bảo đủ nước trong những giai đoạn sinh trưởng thiết yếu của cây trồng.
- Vệ sinh đồng ruộng, chăm bón kịp thời, phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và thu hoạch đúng thời điểm theo từng loại cây./.
Chi cục Trồng trọt & BVTV