Đang tải...
 

Xây cổng làng quả là không dễ.

Xây cổng làng quả là không dễ.
 Ngày càng có nhiều làng xã đầu tư xây dựng lại cổng làng. Nhưng cổng làng dùng để làm gì, đặt ở đâu, cấu trúc thế nào, cao rộng bao nhiêu…những câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản này hóa ra không hề giản đơn. Để cổng làng tôn vinh giá trị văn hóa của làng xã, đi vào lòng người, tồn tại với thời gian như..ngày xưa quả là không dễ. Trong tổng thể kiến trúc các làng xã khi xưa, từ đường làng, cổng làng, luỹ tre, cây đa, đình làng, hệ thống hồ ao, nhà dân đều rất thống nhất trong mối quan hệ về tỷ lệ, không gian, màu sắc, chất liệu và vấn đề này dường như ngày nay chúng ta đang thiếu …

Đã hơn một tháng nay, làng tôi bàn chuyện xây cổng. Vốn dĩ câu chuyện cổng ngõ lâu nay khống mấy người quan tâm, ngay cái cổng xưa cũ của làng vốn khá bề thế mà mất tự bao giờ cũng không mấy người nhớ. Nhưng từ ngày làng bên xây cổng, bắt đầu từ các cụ cao tuổi, rồi đến trung niên, sau là lớp con cháu làm ăn xa về bàn chuyện. Cứ xây giống như xưa là được, các cụ bảo. Xây như ngày xưa là lạc hậu rồi, phải rộng ra – mấy tay có xe hộp góp lời. Không chỉ rộng mà phải cao to, không đặt chỗ cũ mà nên đưa ra sát đường quốc lộ mới oách, tốn bao nhiêu không thành vấn đề - Mấy ông tài chuyên xe chở hàng cương quyết. Bàn vào bàn ra có đến 10 buổi họp, nhưng không ai chịu ai và chuyện về chiếc cổng làng vẫn còn để ngỏ để …bàn tiếp. Mà cũng không riêng gì làng tôi, khối thôn làng giờ đang bàn chuyện xây cổng cũng đang mắc, rằng đặt ở đâu, cấu trúc thế nào, cao rộng bao nhiêu thì vừa….

Trên địa bàn huyện Tân Yên, hiện vẫn còn lưu giữ chừng 10 chiếc cổng làng cổ, nhưng vì thấp, nhỏ nên người ta đã đánh đường sang bên. Cũng chừng 10 năm nay dễ có đến vài chục thôn làng đã xây lại cổng làng, nhưng những chiếc cổng làng nối tiếp được dấu xưa, phù hợp với điều kiện ngày nay thì chưa nhiều và lấn cấn vẫn là những câu hỏi trên …

Ngược dòng thời gian, cổng làng xuất hiện gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng xã. Trong tâm thức, cổng làng luôn có một “chỗ đứng” trang trọng và nó thường được đặt ở những vị trí dễ quan sát nhất ở trong làng. Có thể nói cổng làng là một điểm nhấn trong cái bố cục hài hòa với không gian làng, như lũy tre, đường làng, sân đình, bến nước…là một sự quy ước ngầm về không gian làng xã mà sau cổng làng chính là sự kết nối cộng đồng, hàm chứa về phong tục, tập quán, văn hoá riêng biệt của mỗi thôn làng. Làng xưa kết cấu hình răng bừa, chỉ có 1 đến 2 cổng và cổng làng có vai trò chính yếu trong việc bảo vệ.  

Vật liệu làm cổng làng xưa chủ yếu là gạch, đá ong, vôi, cát. Kiến trúc cổng làng không theo mẫu cố định. Đó có thể là sự mô phỏng tam quan ở đình, chùa gồm một cửa chính, hai cửa phụ hai bên, thấp và nhỏ hơn. Hoặc cũng có làng chỉ xây một lối đi, hai bên thêm hai "cổng mã" hình dáng như một lối đi nhưng xây bít đặc, đắp thêm trụ biểu cao cho cân đối. Tuy chỉ có vậy, và không câu nệ nhiều tới to hay nhỏ, nhưng cổng làng là nơi thể hiện rõ nhất nét văn hóa và ước vọng của người dân. Quan niệm của người xưa, làng là ngôi nhà to, cổng làng chính là cửa của làng. Ngoài việc chọn nơi dựng cổng có vị trí đẹp, thuận tiện giao thông thì theo kích cỡ của đình làng mà quyết định chiều cao bề rộng của cổng. Thêm vào đó là điều kiện kinh tế, làng giầu có thì có thể xây to, làng ít điều kiện thì làm nhỏ. Làng có học, làng có nghề, làng nhiều người đỗ đạt cũng là một chi tiết quan trong quyết định dáng vẻ của cổng làng. Thế nhưng dưới thời đại phong kiến dẫu làng có nhiều người đỗ đạt, làm quan được vua ban cho quyền xây cổng lớn nhưng cũng không được vượt quá qui định.  

Có thể nới, cổng làng xưa bên cạnh chức năng phòng thủ nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần của dân làng, đó là bản sắc, gia phong, trật tự của làng, chứa đựng những quy ước về đạo đức.Người dân sống trong ngôi làng có tôn ti trật tự và điều đó góp phần lý giải cổng làng xưa là đặc trưng cho mỗi một thôn làng, là dấu ấn kỉ niệm trong tâm thức mỗi con người và bền vững trước thời gian.

Ước ao có một chiếc cổng làng trong lúc sự phát triển của quê hương là điều hoàn toàn hợp lý. Thời hiện đại, chức năng bảo vệ của cổng làng nhạt dần đi, thay vào đó là văn hóa, mỹ thuật, nó phải thể hiện nét được văn hóa, sinh hoạt đặc trưng của người dân và làng quê đó và chứa đựng những điều tốt đẹp của cuộc sống người dân chắt chiu, nuôi giữ lâu nay. Cùng với xu hướng làm mới đình, chùa hiện nay, đa số cổng làng bây giờ được xây to lớn, hoành tráng, nhưng từ cấu trúc đến trang trí còn phải bàn. Hơn thế, trong tư duy xây dựng cổng làng hiện nay phần nhiều chỉ chú ý đến giao thông thuận lợi mà không nghĩ đến những vấn đề khác. Có những vùng quê khi xây cổng làng cốt để đánh bóng hình ảnh của mình. Lại có địa phương chưa hiểu hết ý nghĩa của chiếc cổng làng nên xây chỉ là để đua với địa phương khác. Không ít nơi, con cháu làm ăn xa, giàu có, thành đạt, về góp công đức cho làng làm cổng đồ sộ, nhưng kiến trúc lại không ăn nhập với thôn quê. Và cũng không ít làng xây cổng làng như …cổng chào. Trong khi Cổng làng mang đậm ý nghĩa văn hóa, còn cổng chào lại mang tính thực dụng, bình dân.

Vẫn biết cổng làng là nét duyên quê, không thể thiếu trong cộng đồng làng xã, nhưng những câu hỏi: Cổng làng dùng để làm gì, đặt ở đâu, kết cấu thế nào, rộng cao bao nhiêu thì vừa vẫn đang chưa có lời giải thỏa đáng. Xây được chiếc cổng làng để rồi nó tôn vinh giá trị văn hóa của làng xã, đi vào lòng người, tồn tại với thời gian như quả là không dễ.

Chia sẻ bài viết:

Bình luận bài viết:

Loading...
Mới nhất Cũ nhất

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn