“Nuôi nhím kĩ thuật đơn giản trong khi giá trị kinh tế khá cao, chỉ cần bỏ vốn làm chuồng, mua con giống là có thể nuôi rồi. Nuôi nhím khó khăn, vất vả không bằng một phần nuôi heo vì nhím không hay bị bệnh, dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là rau, củ, quả rất dễ kiếm,…”, ông Trần Văn Đức, chủ trang trại nhím tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nhận xét. Đây cũng là đánh giá chung của rất người đã thử nghiệm thành công với mô hình này.
Vài đặc điểm về loài nhím và nghề nuôi nhím
Nhím là loài gặm nhấm, sống hoang dã ở một số nước như Nêpan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Trung Quốc. Tại nước ta, chúng sống dọc theo các vùng đồi, trung du, rừng rậm.
Dân sành ăn vẫn ca tụng thịt nhím là ngon ngọt, giàu đạm, rất nạc, chắc và thơm, giống thịt lợn rừng. Không chỉ là món ăn đặc sản, nhím còn là vị thuốc quý, nhiều công dụng. Mật nhím dùng chữa đau mắt, đau lưng và xoa bóp chấn thương. Thịt, ruột già, gan và cả phân nhím dùng chữa bệnh phong nhiệt. Dạ dày nhím vị ngọt, tính hàn, không độc; được sử dụng làm thuốc chữa bệnh dạ dày ở người, giải độc, mát máu,... Người Trung Quốc rất coi trọng những công dụng này và thường xuyên tìm mua dạ dày nhím.
Cũng bởi vậy nghề nuôi nhím hiện nay ở nước ta đang được xem là nghề hốt bạc. Giá thịt nhím dao động từ 150 - 200 nghìn đồng/kg. Nuôi nhím mang lại hiệu quả kinh tế cao mà lại đơn giản; vừa tốn ít diện tích vừa không mất nhiều công chăm sóc nên ngày càng có nhiều người ở cả nông thôn, thành thị; cả nông dân, cán bộ, công nhân viên nhà nước cũng đầu tư vào nuôi nhím.
Anh Đinh Văn Duyệt ở xã Quy Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Nhiều người cho rằng nuôi nhím khó vì chúng là động vật hoang dã, nhưng thực tế chúng sống rất tốt trong chuồng. Thức ăn dễ tìm kiếm, chủ yếu là các loại rau, quả, lá và hạt ngô”.
Anh Vũ Duy Linh, thôn Hội Xá, xã Tân Quang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Nhím là loại động vật hoang dã, ăn tạp, ban ngày ngủ, ít ăn, nhưng ban đêm ăn rất khoẻ. Nhím có sức đề kháng cao, dễ thích nghi với môi trường, ít bị bệnh, không phải lo lắng về đầu ra và rất phù hợp với nhu cầu chuyển đổi nghề của người dân trong quá trình đô thị hoá, khi mà quỹ đất sản xuất ngày càng ít đi. Nhưng nuôi nhím đạt hiệu quả kinh tế cao cần phải nuôi đúng quy trình kỹ thuật”.
Quy trình kỹ thuật nuôi nhím
1. Chuồng nuôi
Nuôi nhím còn dễ hơn cả nuôi lợn, thậm chí có thể nuôi cả trên sân thượng nhà cao tầng. Diện tích chuồng nuôi nhím không cần rộng lắm, trung bình 1m2/con.
Chuồng nuôi nhím nên làm nửa sáng nửa tối, không cần ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt và nắng nóng, bảo đảm khô sạch, thoáng mát. Nền và sân chuồng làm bằng bê tông dày 8-10cm, nghiêng khoảng 3-4%, để thoát nước và để nhím không đào hang chui ra... Xung quanh khu chuồng xây gạch cao khoảng 50 cm và rào bằng lưới thép B40, cao trên 1,5m, nuôi cả đực và cái là 3,2 m. Có mái cao ráo che mưa nắng, chọn hướng phù hợp không nắng vào mùa hè, không gió vào lạnh lùa vào mùa đông. Phía sau có rãnh thoát nước. Hàng ngày dùng vòi phun nước để rửa chuồng, không để thức ăn thừa, phân nhím trong chuồng, luôn luôn giữ cho chuồng được sạch sẽ.
Chuồng nuôi đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, sạch sẽ để nhím sinh trưởng tốt
- Nhím thích ở hang nhưng không nên làm hang ngầm dưới đất, ta có thể làm hang giả cho nhím bằng tole uốn cong hoặc bằng ống cống phi 50-60cm, để nổi trên nền chuồng, dễ vệ sinh, đảm bảo thoáng mát là được.
- Máng uống vừa phải, rộng 20 - 25cm, cao 20 - 25cm, xây ở ngoài sân, tránh nước vung vãi làm dơ bẩn, ẩm ướt nền chuồng. Trong chuồng nên để vài khúc gỗ, sắt hoặc đá liếm để cho nhím mài răng, không cắn phá chuồng.
2. Con giống
Có thể nuôi thuần dưỡng nhím bắt từ rừng về hoặc mua nhím ở các trang trại. Nhím lấy từ các trại về thường dạn hơn. Nhím nuôi trong một tháng thì tách khỏi mẹ, nuôi riêng ra một ô khác. Mỗi ô có thể nuôi 2 - 3 con. Nuôi chúng thêm một tháng nữa là có thể bán giống. Nhím giống hiện nay rất hiếm, nếu muốn mua bạn phải đặt hàng trước với các cơ sở sản xuất giống.
Nhím giống tốt sẽ cho hiệu quả nuôi cao
Khi mua cần chú ý mua nhím ở những địa chỉ tin cậy, bảo đảm là loại nhím đã được thuần hoá, tránh mua phải nhím rừng vì nhím rừng rất khó chăm sóc và sinh sản. Đặc biệt, nhím phải có lý lịch, nguồn gốc rõ ràng và phải có giấy kiểm dịch, chứng nhận của kiểm lâm (nhím là động vật thuộc đối tượng bảo tồn). Nếu mua nhím mà không có giấy chứng nhận là vi phạm pháp luật và sẽ bị thu hồi.
Nhím giống cần được thuần chủng
3. Chăm sóc nhím sinh sản
Một con nhím có khối lượng trung bình l5-25kg, tuổi thọ trung bình là 15-20 năm. Nhím khoảng 1 năm tuổi, nặng 10kg là có thể cho sinh sản. Chúng thường sống đơn lẻ, chỉ tới mùa sinh sản con đực mới đi tìm bạn tình. Tỷ lệ ghép nhím là 1 đực /3-5 cái nhưng phải chú ý nhím không giao phối đồng huyết. Nhím đực nên nhốt riêng, chỉ khi phối giống mới thả chung.
Nhím đực khi phối giống cần cho ăn thêm thóc, ngô, giá đậu... nảy mầm và thức ăn tinh, thức ăn giàu chất đạm, chất béo. Nhím cái khi sinh con cũng cần cho ăn thêm thức ăn tinh, thức ăn giàu đạm, chất béo để tăng lượng sữa cho con bú và để nhím con mau lớn, đảm bảo sức khoẻ cho nhím mẹ tái sản xuất khi vừa cho con bú vừa phải mang thai. Nhím thường hoạt động và ăn mạnh vào ban đêm, nên cho lượng thức ăn buổi tối nhiều hơn ban ngày.
Thời gian mang thai của nhím thường kéo dài 3 tháng (90-95 ngày). Nhím thường đẻ vào ban đêm, một năm đẻ hai lứa, mỗi lứa đẻ 1-3 con, thường là 2 con, trọng lượng sơ sinh bình quân 100 gr/con. Nhím mẹ sau khi đẻ 3 ngày là chịu đực và cho phối giống cho chu kỳ sinh sản tiếp theo. Có thể nhận biết nhím động dục bằng cách, động vào thấy chúng đứng yên, cong đuôi lên, lúc đó hãy mang nhím con đi chỗ khác và thả nhím đực vào phối giống, để đề phòng nhím đực cắn con.
Nhím con mới đẻ đỏ hỏn, mũm mĩm, nhưng chỉ vài giờ sau, da chúng đã co lại, để lộ rõ những lông trắng bám trên mình. Nhím mới sinh đến 3 ngày tuổi cần nhiệt độ ấm áp 25-30 độ C, được một tuần tuổi là có thể chịu được nhiệt độ môi trường sống bên ngoài. Trong vòng 1-2 tháng đầu, lông còn mềm và nhím rất hiền, ta có thề bắt lên xem để phân biệt đực cái, đánh dấu theo dõi về sau. Qua thời gian, những lông trắng này dần đạt đến độ dài 20-25cm, hóa sừng và trở thành bộ giáp đặc trưng của loài gặm nhấm này.
Nhím con cứng cáp rất nhanh, sau một tháng thì nhím con biết ăn, sau ba tháng thì cai sữa. Nhím con sau cai sữa, nếu chăm sóc nuôi dưỡng tốt có thể đạt trọng lượng bình quân 3 kg/con. Nếu trong đàn có nhím đực sắp trưởng thành (5-6 tháng) thì phải tách đàn nuôi riêng, nếu không nhím bố sẽ tấn công cho đến chết mới thôi (đó là quy luật tự nhiên để bảo tồn nòi giống). Tỷ lệ đực cái thích hợp là 1/8-10.
Nhím con, nuôi sau một năm khối lượng đạt 10kg, sau hai năm đạt 15-16kg và sang năm thứ 3 con đực đạt 20kg, con cái 17-19kg.
4 . Thức ăn
Nhím là loài ăn tạp, vì thế, thức ăn cho nhím rất đa dạng như: côn trùng, giun, ốc, cá, rễ , lá, mầm cây, rau, củ, quả , kể cả những loại chát, đắng,... Có thể bổ sung xương trâu, xương bò cho nhím gặm để tăng canxi và cho nhím mài răng.
Thức ăn của nhím rất dễ kiếm
Bình thường nhím ăn 2kg thức ăn/con/ngày. Nhưng khi nhím đẻ cần bổ sung thêm thức ăn tinh nhiều chất đạm, chất béo, chất bột, đường... để nhím con mau lớn, nhím mẹ đỡ mất sức, vì vừa phải tiết sữa nuôi con vừa mang thai. Thức ăn cho nhím cần bổ sung thêm mầm, rễ cây các loại, nhím đực sẽ phối giống hăng hơn.
Tăng chất khoáng trong khẩu phần ăn cho nhím: cho 2g muối/con/ngày, nếu có điều kiện cho 100-200 xương trâu, bò/con/ngày.
Các thức ăn cần thiết: rau, củ, quả các loại, cám viên hỗn hợp, lúa, bắp, đậu, các loại, khô dầu dừa, đậu phộng. Khẩu phần thức ăn cơ bản hàng ngày cho mỗi con nhím theo từng giai đoạn như sau:
+ 1-3 tháng tuổi: 0,3kg rau, củ, quả các loại, 0,01kg cám viên hỗn hợp, 0,01kg lúa, bắp, đậu các loại
+ Từ 4-6 tháng tuổi: 0,6kg rau quả củ, 0,02kg cám viên hỗn hợp, 0,02kg lúa bắp đậu, 0,01kg khô dầu dừa, lạc.
+ Từ 7-9 tháng tuổi: 1,2kg rau quả củ, 0,04kg cám viên hỗn hợp, 0,04kg lúa bắp đậu, 0,02kg khô dầu dừa, lạc.
+ Từ 10-12 tháng tuổi: 2kg rau quả củ, 0,08kg cám viên hỗn hợp, 0,08kg lúa bắp đậu, 0,04kg khô dầu dừa, lạc.
Nhím ăn rau, củ, quả nên ít uống nước, nhưng cũng phải có đủ nước sạch cho nhím uống tự do, trung bình 1 lít/5con/ngày. Nhím thường uống nước vào buổi sáng và buổi trưa. Nhím không thích tắm ướt mình, nếu bị ướt nhím sẽ rùng mình và vung lông liên tục không tốt.
Bà Phạm Thị Hoè, thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết: Việc cho nhím ăn rất quan trọng, cho nhím ăn đúng cách, đúng giờ và phân bổ lượng thức ăn từng ngày cho phù hợp. Nhím thường hoạt động vào ban đêm, nên ban đêm nhím ăn 70% thức ăn, còn lại 30% cho ban ngày. Khi cho nhím ăn, cần phải theo dõi phát hiện nhím ăn loại cỏ, lá cây nào để điều chỉnh kịp thời, khi cho thức ăn lạ cần phải cho ăn từ từ, không cho ăn nhiều cùng một lúc. Các loại thức ăn khô như lạc, đỗ và một số loại thức ăn có nhiều nước như dây khoai lang, lá lạc tươi nên cho ăn ở mức độ vừa phải vì chúng dễ bị ỉa chảy, đầy hơi.
Nhím ở rất sạch vì vậy cần quét dọn chuồng trại sạch sẽ, khi vào chuồng trại quét dọn, cần đi ủng để đề phòng nhím vẩy lông sẽ bay vào chân gây đau đớn. Cần giữ yên tĩnh cho nhím, không làm chúng hoảng sợ dẫn đến chậm lớn, đặc biệt cần giữ yên giấc ngủ vào ban ngày. Khi nhím sinh sản cần ngăn cách các đôi cẩn thận vì nhím đực sẽ cắn chết con của con nhím khác. Thỉnh thoảng vuốt ve chúng cho quen, khi cho ra khỏi chuồng chúng sẽ không đi mà bám theo chủ.
5 . Phòng bệnh
Thường xuyên theo dõi đàn nhím để kịp thời phát hiện nhím mắc bệnh
Nhím có khả năng đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh, nhưng cũng có mắc một số bệnh thông thường:
- Bệnh ký sinh trùng ngoài da do ve, mò cắn gây nên ghẻ lở, ta có thể dùng thuốc bôi hoặc nhím tự liếm cũng khỏi. Để phòng bệnh ký sinh trùng ngoài da, ta nên vệ sinh sát trùng chuồng và xung quanh chuồng mỗi tháng 1-2 lần.
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại tránh các loại bệnh ký sinh cho nhím
- Bệnh đường ruột: Do khẩu phần thức ăn ta cung cấp không đầy đủ như ngoài thiên nhiên nên nhím có thể bị tiêu chảy, trong trường hợp đó, ta có thể dùng thuốc trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ rau, rễ dừa... Để phòng bệnh tiêu chảy, ta nên cân đối khẩu phần thức ăn đầy đủ cho nhím, không nên cho nhím ăn các loại thức ăn ẩm mốc, hôi thối, bẩn thỉu...
Các bạn có thể tham khảo clip trình bày quy trình kỹ thuật nuôi nhím phát sóng trên VTV 2:
Hiệu quả kinh tế từ nuôi nhím
Khởi nguồn từ những năm 1990 tại “Trung tâm Nghiên cứu khoa học và sản xuất lâm nghiệp vùng Tây Bắc”, đến nay nghề nuôi nhím đã lan rộng ra khắp cả nước, trở thành mô hình làm kinh tế hiệu quả của rất nhiều hộ gia đình.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Quốc Bình ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ nhím trên thị trường ngày càng cao do thịt nhím rất bổ dưỡng, nhiều bộ phận như dạ dày, mật, lông... là các loại thuốc chữa bệnh rất hiệu quả nên từ năm 2004, anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng, mua 10 con nhím bố mẹ về nuôi. Đến nay, trang trại nuôi nhím của anh đã phát triển được 60 con nhím bố mẹ, cung cấp cho thị trường trên 200 con nhím giống/năm, tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng, lợi nhuận thu được chiểm trên 80%. Hơn thế, thông qua sự chia sẻ của anh, đến nay trên địa bàn xã Hải Bối và huyện Đông Anh có thêm 40 hộ nuôi nhím sinh sản, nâng cao thu nhập trên một đơn vị canh tác. Năm 2009, Nguyễn Quốc Bình được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của, một giải thưởng dành cho thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh và xây dựng nông thôn mới. Mô hình nuôi nhím của anh cũng là một trong 10 mô hình tiên tiến của thanh niên Thủ đô được tuyên dương và nhận được nhiều giấy khen do UBND xã và huyện trao tặng.
Hay như gia đình anh Nguyễn Ngọc Hùng và chị Lê Thị Thoa trú tại xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá cũng là một điển hình về nuôi nhím đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2008 đến nay, anh Hùng nuôi được trên 30 cặp nhím sinh sản. Mỗi năm, đàn nhím này đẻ thêm khoảng 60 nhím con. Khoảng 23-24 triệu đồng/cặp nhím giống đã mang lại nguồn thu nhập bình quân hàng năm ngót nghét một tỷ đồng cho gia đình anh.
Ông Nguyễn Quốc Khánh ở thôn Vinh Đức, xã Đức Minh (Đắk Mil), tỉnh Đăk Nông hiện là chủ của một trang trại nuôi nhím và đang giàu lên nhờ cung cấp nhím giống cho thị trường.
Trang trại nuôi nhím của ông Khánh mỗi năm cho thu nhập trên 2 tỉ đồng
Năm 2004, trong những lần đi tham quan các mô hình về sản xuất kinh doanh giỏi tại các tỉnh Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, ông Khánh thấy mô hình nuôi nhím khả thi hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi học tập được kinh nghiệm, ông đã mạnh dạn đầu tư vốn, bắt tay vào xây dựng chuồng trại và mua nhím giống về nuôi. Lúc đầu, ông chỉ nuôi thử nghiệm 10 con giống. Kết quả cho thấy, đàn nhím của ông phát triển tốt, tăng trưởng nhanh về trọng lượng cũng như số lượng. Hiện nay, ông đã đầu tư xây dựng mở rộng chuồng trên diện tích 700m2 với tổng đàn 400 con, tính sơ sơ tổng giá trị tài sản trên 6 tỷ đồng. Theo tính toán thì mỗi ngày một con nhím trưởng thành chỉ ăn hết một lượng thức ăn vừa phải, nếu quy ra tiền thì từ khoảng 1.500- 2.000 đồng, thấp hơn nhiều so với nuôi gà, vịt.
Có thể nói, hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi nhím đã bước đầu được khẳng định song đây là giống nuôi có những đặc tính sinh học riêng biệt, nếu người nuôi không nắm bắt và xử lý kịp thời sẽ dễ thất bại. Chính vì thế, để làm giàu, phát triển bền vững thì người nuôi phải dám đầu tư, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tránh làm theo phong trào khi chưa đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm.