Đang tải...
 

Tốt nghiệp càng nhiều, thất nghiệp càng cao

Tốt nghiệp càng nhiều, thất nghiệp càng cao

TT - Cứ 10 người tốt nghiệp đại học (ĐH) thì khoảng 1 người thất nghiệp. Số liệu này (do Tổng cục Thống kê công bố mới đây) có thể  chưa phản ánh đúng tình hình khi các cử nhân đi bán hàng rong, làm phụ hồ vẫn được coi là “có việc làm”.


Nhiều Sv  tốt nghiệp Đại học chính quy tại các trường công lập vẫn chưa có việc làm

Để tính số người và tỉ lệ thất nghiệp, Tổng cục Thống kê đã lấy nguồn số liệu dựa trên điều tra lao động với cỡ mẫu khoảng 17.000 hộ/tháng và tính chung cho cả năm là hơn 200.000 hộ dân ở các tỉnh thành. Hiện tại, số liệu về tỉ lệ thất nghiệp ở VN được công bố hằng quý và năm theo cả nước, thành thị, nông thôn. Riêng đối với chỉ tiêu năm được công bố theo đơn vị tỉnh.

ĐH dễ thất nghiệp hơn lao động tự do

Ngày 25-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Xuân Mai - vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) - cho hay khi so sánh các năm gần đây thì thấy rõ tỉ lệ SV tốt nghiệp ĐH ra trường không có việc làm tăng mạnh cả về tỉ lệ phần trăm và con số tuyệt đối. Theo đó, năm 2010, người có trình độ ĐH ở độ tuổi 21-29 thất nghiệp chỉ chưa đầy 60.000 người (chiếm 6,84%), nhưng đến năm 2013, số người thất nghiệp có trình độ ĐH ở độ tuổi dưới 30 đã tăng lên thành 101.000 người (9,89%). Riêng quý 3-2013, tỉ lệ này còn tăng lên mức 11,75%.

Theo bà Mai, tỉ lệ thất nghiệp của người có trình độ ĐH ở độ tuổi từ 21-29 tuy cao so với tỉ lệ thất nghiệp nói chung ở độ tuổi này, nhưng có thể vẫn chưa phản ánh được con số chính xác về tỉ lệ thất nghiệp theo quan niệm thông thường. “Chẳng hạn, có những phụ huynh nói rằng con tôi tốt nghiệp ĐH mà vẫn thất nghiệp mấy năm nay rồi. Song thực tế trong thống kê, chẳng hạn, nếu con vị phụ huynh này tuy chưa có việc làm như mong muốn, theo ngành nghề được đào tạo mà vẫn thường xuyên đi làm phụ hồ giúp anh trai thì vẫn được tính là có việc làm”- bà Mai lý giải.

Theo cách điều tra này thì những người vốn được coi là có việc làm bấp bênh, thậm chí những người bán hàng rong... vẫn được tính là có việc. Ngoài ra, chỉ cần làm việc một giờ trong một tuần trước thời điểm điều tra cũng không bị xếp vào nhóm thất nghiệp. Người được xếp vào diện thất nghiệp còn phải là người đang có nhu cầu tìm việc làm. Với những người không có nhu cầu tìm việc, trong tình trạng “thoái chí” dù bản thân không có việc cũng không được xếp vào diện thất nghiệp. Chính vì lý do này mà tỉ lệ thất nghiệp nói chung trong độ tuổi lao động ước tính năm 2013 chỉ là 2,2%, tỉ lệ thiếu việc làm cũng chỉ ở mức chưa đến 2,8%, thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ thất nghiệp ở đối tượng có trình độ, được đào tạo từ các trường ĐH.

 

Mở quá nhiều trường ĐH

Thực tế, tình trạng SV ra trường thất nghiệp dài đã bộc lộ quá rõ ràng ngay trong những cảnh báo về ngành nghề khó xin việc của chính Bộ GD-ĐT trong hai năm tuyển sinh trở lại đây. Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT đã thông báo tình hình đào tạo các ngành nghề và tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” (tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán...), đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này. Cũng từ năm 2013, bộ lại tiếp tục yêu cầu giảm chỉ tiêu ngành đào tạo sư phạm. Lãnh đạo Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng thông báo SV xây dựng ra trường đã rất khó kiếm việc làm và tình trạng sẽ còn rất bi đát trong những năm tiếp theo. Ở bậc học trung cấp, ngành điều dưỡng, kế toán... cũng được thông báo dư thừa nhân lực so với nhu cầu.

Trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận được Bộ GD-ĐT công bố tháng 9-2013, Bộ trưởng Luận thừa nhận “thực tế hiện nay có tình trạng nhiều SV tốt nghiệp chưa tìm được việc làm hoặc làm trái với chuyên ngành đào tạo” và “trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực cùng khó khăn của nền kinh tế trong nước, tình hình SV tìm việc làm càng khó khăn hơn”.

Ngoài nguyên nhân khách quan, bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu tố chủ quan khiến SV ra trường thất nghiệp tăng cao. Đó là do các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức đào tạo chưa quan hệ chặt chẽ với thị trường lao động, chưa nắm bắt được nhu cầu nhân lực. Chưa kể việc đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành, trường đào tạo là do học sinh tự quyết định, tuy nhiên lại thiếu thông tin dự báo nguồn nhân lực, thông tin về thị trường lao động... Đặc biệt, ông Luận cũng cho rằng chính công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của các bộ ngành, địa phương chưa sát thực cũng là nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đối với SV ra trường.

Năm 2013 là năm đầu tiên Tổng cục Thống kê đưa ra điều tra về số lao động phải chuyển dịch từ khối lao động nhà nước. Theo bà Mai, trong chín tháng đầu năm 2013, trong khi tổng lao động khu phi chính thức tăng lên mạnh mẽ thì số lao động chính thức chuyển dịch, bị đẩy ra khỏi khối doanh nghiệp nhà nước lên đến 14.900 người. “Đó là con số thể hiện người mất việc chủ yếu do các doanh nghiệp thuộc khối nhà nước bị phá sản” - bà Mai nói.

Trong khi đó, nhìn con số thống kê về số SV tốt nghiệp ĐH trong 10 năm qua, không thể không khỏi giật mình. Trong 10 năm, các trường ĐH mở ra quá nhiều, tốc độ tăng quá nhanh khiến cho quy mô SV tăng cao, kéo theo số lượng SV tốt nghiệp hằng năm tăng mạnh.

Sưu tầm

Chia sẻ bài viết:

Bình luận bài viết:

Loading...
Mới nhất Cũ nhất

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn