Đang tải...
 

PC Thừa Thiên Huế: Triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án mở rộng tuyến Quốc lộ 1A.

PC Thừa Thiên Huế: Triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án mở rộng tuyến Quốc lộ 1A.


Sáng 11/12/2013, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã tham dự Hội nghị với lãnh đạo 22 tỉnh, Tập đoàn Điện lực, Viettel, VNPT và các bộ, ngành Trung ương liên quan có dự án mở rộng tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu chủ trì Hội nghị cùng với đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Thanh Hoá - Cần Thơ được đầu tư mở rộng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau và chia thành 40 dự án, tiểu dự án. Trong đó, đầu tư theo hình thức BOT gồm 18 dự án với chiều dài 608km, tổng mức đầu tư 50.624 tỉ đồng; đầu tư bằng vốn ngân sách-trái phiếu Chính phủ gồm 21 dự án với chiều dài 696km, mức đầu tư 36.233 tỉ đồng; 1 dự án đầu tư bằng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á có chiều dài 49km, mức đầu tư 4.368 tỉ đồng. Đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên dài 663km, giai đoạn 1 đã hoàn thành 110km. Giai đoạn 2 còn 553km từ Tân Cảng đến Chơn Thành (Bình Phước) được chia thành 25 dự án.

Để việc xây dựng mở rộng đường đúng tiến độ, khâu bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư và nhà thầu là yêu cầu bức thiết nhất, nhưng hiện nay đang gặp không ít khó khăn, trong khi kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Quốc lộ 1A là 7.350 tỉ đồng, hiện đã chuyển cho các địa phương là 2.923 tỉ đồng. Kinh phí thực hiện GPMB đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là 1.300 tỉ đồng, đã chuyển cho các địa phương là 82 tỉ đồng.
Mở rộng tuyến Quốc lộ 1A khu vực thị trấn Lăng Cô

Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc xuất hiện trong quá trình thực hiện GPMB như việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu khi triển khai dự án. Việc chậm cấp vốn GPMB cho một số địa phương như Thanh Hoá, Nghệ An… dẫn đến nhiều dự án đã phê duyệt phương án đền bù chi tiết nhưng không có tiền chi trả kịp thời cho nhân dân; một số địa phương chưa bố trí được vốn hoặc chưa đủ vốn để xây dựng các khu tái định cư cho dự án, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án…Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu đã báo cáo tình hình tiến độ, triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương, nêu các kinh nghiệm trong công tác lãnh, chỉ đạo tại địa phương và kiến nghị các vướng mắc cần giải quyết liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng khu tái định cư và di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các đơn vị viễn thông, điện lực, cấp thoát nước...

Đối với Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế từ Km 791A+500 đến Km848+875, có tổng chiều dài 31,3Km và 08 cầu (Phò Trạch, vượt đường sắt, Thượng An Trong, Thượng An Ngoài, An Lỗ, Phú Bài, An Nong, La Sơn). Tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2013, đã bàn giao cọc mốc GPMB được 31,3km) toàn tuyến, đạt 100 %. Công tác kê khai, kiểm đếm  đạt 100% so với kế hoạch. Địa phương đã bàn giao (tính theo chiều dài) đạt 17km/31,3km toàn tuyến, đạt 55%. Trong đó, lưới điện trung hạ thế cần di dời GPMB có 5 đoạn: Đoạn qua huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà; Cửa ngõ phía Bắc thành phố Huế; Đoạn phía Nam từ KCN Phú Bài đến ngã ba La Sơn; Đoạn thi công hầm đường bộ qua đèo Phước Tượng, hầm đường bộ qua đèo Phú Gia với 261 vị trí cột điện, 6,8km đường dây trung thế, 11,9km đường dây hạ thế, 3 trạm biến áp có tổng dung lượng 900kVA với giá trị di dời là 12 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật di dời lưới điện và gửi Sở Công thương Thừa Thiên Huế, thẩm định dự toán, thiết kế để triển khai thi công khi được giao mặt bằng tuyến.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều tích cực trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời Phó thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương có 2 tuyến đường đi qua phải xác định quyết tâm chính trị cao. Tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với công tác GPMB, bồi thường, tái định cư trên cơ sở thường xuyên nắm bắt nguyện vọng chính đáng của dân, lắng nghe và đối thoại với dân để giải quyết các vướng mắc, khó khăn, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Đối với các Tập đoàn EVN, VNPT, Viettel cần có cơ chế ứng trước nguồn vốn (không kể lưới điện có trong cam kết di dời, hoặc không có trong cam kết di dời) để sớm triển khai giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư và nhà thầu triển khai dự án. Đối với các bộ, ngành Trung ương cần tập trung nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách cho dự án nhanh ***ng, kịp thời, phù hợp các quy định và thực tiễn đặt ra với tuyến đường này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; giải đáp khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện dự án như xác định nguồn gốc đất để đền bù, cơ chế tài chính đền bù và hỗ trợ tái định cư, kiểm đếm phải tuyệt đối chính xác để có phương án đền bù cho nhân dân, đáp ứng tiến độ của dự án.

Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo cụ thể các địa phương công tác GPMB đang có nhiều thuận lợi thì thời hạn cuối cùng kết thúc vào cuối năm 2013 phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu; với các địa phương còn gặp nhiều khó khăn thì thời hạn là Quý I năm 2014 phải hoàn thành GPMB.

Sưu tầm

Chia sẻ bài viết:

Bình luận bài viết:

Loading...
Mới nhất Cũ nhất

Bài viết liên quan

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi ngay để được tư vấn